7 loại sâu bệnh hại hoa Ly và biện pháp phòng trừ
tronghoa.vn 10/09/2018 11:38
Hoa ly rất dễ mắc bệnh. Biết được triệu chứng cũng như cách phòng trừ sâu bệnh hại hoa ly sẽ giúp vườn ly phát triển tốt
Cũng như vô vàn các loại hoa khác, hoa ly cũng dễ mắc một số bệnh do các loại nấm, vi khuẩn, virus cũng như côn trùng, sâu hại gây ra. Biết được triệu chứng cũng như cách phòng trừ sẽ giúp người trồng có thể xử lý kịp thời giúp vườn ly phát triển tốt nhất
Trồng hoa xin chia sẻ đến bạn đọc bài viết 7 loại sâu bệnh hại hoa Ly và biện pháp phòng trừ. Cùng tham khảo nhé!
7 loại sâu bệnh hại hoa ly và cách phòng trừ
A. Sâu hại
1. Rệp: chủ yếu là rệp xanh đen, rệp bông.
- Triệu chứng: Thường làm cho cây còi cọc, ngọn quăn queo, nụ bị thui, hoa không nở được hoặc dị dạng, thường gây hại nặng ở vụ xuân hè và Đông Xuân.
- Phòng trừ: Sử dụng Karate 2,5 EC liều lượng 10 – 15 ml/bình 10lít, Ofatox 400EC hoặc Supracide 40ND liều lượng 10 – 15 ml/bình 10 lít, Actara 25WG liều lượng 25-30g/ha…
2. Sâu đục rễ, củ:
- Triệu chứng: Sâu ký sinh mặt ngoài rễ, củ, hút dịch rễ, ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây, làm lá vàng, nghiêm trọng hơn là làm cho cây chết khô, tác hại chủ yếu vào lúc cây đang sinh trưởng và thời kỳ cất trữ củ.
- Phòng trừ: Không trồng lily liên tục trên một mảnh đất; Cải tạo độ chua đất, không bón quá nhiều phân đạm; Dùng thuốc phòng trừ: Basudin rắc vào đất 1kg/ sào Bắc Bộ.
3. Sâu hại bộ cánh vẩy (Sâu khoang, sâu xanh, sâu xám)
- Triệu chứng: Sâu tuổi nhỏ ăn phần thịt lá để lại lớp biểu bì phía trên. Sâu tuổi lớn ăn khuyết lá non, ngọn non, mầm non, khi cây có nụ sâu ăn đến nụ và làm hỏng nụ, hoa. Sâu chỉ phá hại ở thời kỳ cây non
- Phòng trừ: bắt thủ công bằng tay, thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, sử dụng Supracide 40 ND liều lượng 10 –15 ml/bình 10 lít, Pegasus 500 SC liều lượng 7 – 10 ml/bình 10 lít, Ofatox 400 EC liều lượng 8 – 10 ml/bình 10 lít.
B. Bệnh hại
4. Bệnh thối gốc, rễ:
- Triệu chứng: Xung quanh gốc cây bị bóc mất lớp vỏ thân mùi thối, có màu xanh tối, màu tro đen, rồi lan lên phía trên, lá bị vàng, nếu bệnh nặng, thân bị cong queo, gãy gập thân xuống.
- Phòng trừ: Khử trùng, tiêu độc đất; dùng thuốc sát khuẩn phun vào đất lúc trồng; giữ cho đất thoát nước tốt, không được để đất ẩm ướt lâu; che nắng để giảm nhiệt độ đất và giữ ẩm
5. Bệnh mốc tro:
- Triệu chứng: Bệnh hại lá, nụ, hoa. Trên lá thường thấy các đốm tròn, bầu dục, to nhỏ không đều, màu nâu trong suốt, trời ẩm ướt sẽ lan rộng ra thành những vòng. Bệnh nặng làm mất hoàn toàn giá trị của hoa
- Phòng trừ : Không tưới đẫm nước, không tưới lên lá và để nước đọng ở rãnh; Dùng thuốc phun phòng : Funguran 50 WP, champion 75WP, liều lượng 15-20 g / bình 10 lít, phun 3 bình cho 1 sào Bắc Bộ.
6. Bệnh cháy lá (bệnh sinh lý)
- Triệu chứng: Xuất hiện khi nụ hoa chưa nở, những lá non xoăn lại về phía trong và sau đó một vài ngày, ngọn hoa như bị tuốt nước nóng, (hiện tượng luộc lá) nên làm giảm khả năng quang hợp. Nếu bệnh nặng thì nụ non sẽ bị ảnh hưởng, ngọn cây có thể bị chết gây ra hiện tượng mù hoa.
- Phòng trừ : Không nên trồng củ có kích thước quá lớn vì nhiệt độ miền Bắc cây dễ bị bệnh. Phải đảm bảo độ ẩm đất, trồng củ đúng kỹ thuật. Ở giai đoạn phân hoá hoa, giai đoạn mẫn cảm nhất, giữ cho nhiệt độ, độ ẩm không biến động lớn, tốt nhất là duy trì độ ẩm khoảng 65 – 70%, che nắng để giảm bớt bốc hơi nước.
7. Hiện tượng rụng nụ và hoa bị mù
- Triệu chứng: trong quá trình phát triển, nụ hoa đột nhiên bị khô, teo lại và rụng
- Phòng trừ: nguyên nhân chủ yếu là dinh dưỡng không đủ, thiếu ánh sáng, độ ẩm không khí cao, pH không thích hợp và thiếu vi lượng, vì vậy cải thiện bằng cách chiếu sáng, bổ sung dinh dưỡng, cải tạo đất, làm tơi xốp bề mặt, bổ sung vi, đa lượng hợp lý.
Hy vọng những kiến thức trên sẽ giúp ích cho các bạn trong việc phòng và tránh các loại sâu bệnh hại hoa ly. Chúc quý vị có vườn ly thật đẹp.
Xem thêm